Nội dung
Ước mơ của những bậc đế quân anh minh là gì? Phải chăng là sự bành trướng sức mạnh với lân bang, tài là châu báu chất đầy trong cung điện, là quân đội hùng mạnh nhất tứ phương? Không, đối với bậc minh quân sự hạnh phúc, no đủ của nhân dân mới thật là quí giá và thiêng liêng nhất.
Vị vua anh minh Trần Nhân Tông đã sớm hiểu được đạo lý ấy và làm bài thơ “Thiên trường vãn võng” để thể hiện tình yêu thương đối với đất nước, nhân dân.
“Thôn hậu, thôn tiền đạm tự yên,
Bán vô, bán hữu tịch dương biên.
Mục đồng địch lý quy ngưu tận,
Bạch lộ song song phi há điền.”
(Trước thôn, sau thôn, khí trời mờ nhạt như khói,
Bóng chiều tà nửa không, nửa có.
Trẻ chăn trâu thổi sáo dẫn trâu về hết,
Từng hàng cò trắng bay xuống ruộng.)
Chưa bao giờ trong văn học trung đại cảnh thôn quê lại hiện lên nên thơ và bình dị như vậy. Dưới con mắt của vị vua hiền minh những cảnh vật ở thôn quê trở nên thật gàn gũi mà sống động lạ kì. Một buổi chiều ở thôn vắng được bao phủ trong làn khói trắng tỏa ra từ các gian nhà. Đó là là khói nhưng cứ ngỡ như sương chiều đang buông, cũng chính là biểu tượng cho sự ấm êm hạnh phúc của nhân dân, được sống trong sự no đủ - “Thôn hậu thôn tiền đạm tự yên/ Bán vô bán hữu tịch dương biên”. Ánh dương đã dần tắt nhưng không nhuốm màu bi thương thường thấy trong thơ cổ mà là sự yên bình bao trùm lên cả bức tranh.
Cuối cùng là hình ảnh đôi cò trắng liệng xuống đồng trong ráng chiều dần buông càng làm tăng thêm ý thơ cho toàn bài cũng chính là điểm nhấn bức tranh thôn quê thêm sống động, có hồn – “Mục đông địch lý qui ngưu tận/ Bạch lộ song song phi hạ điền”. Đối với một vị vua, ta ắt nghĩ ông sẽ vui thích những kì trân dị thú, vàng ngọc châu báu, nhưng với Trần Nhân Tông ước mơ lớn của ông chính là sự thái bình, an vui của nhân dân. Đó chính là một tấm lòng đáng quí, một trái tim hết mực bao dung nhân hậu. Vị vua biết đặt hạnh phúc của nhân dân lên hết thảy mọi lợi ích và ham muốn cá nhân chính là người sẽ kéo dài sự hưng thịnh cho đất nước. Chính nhờ bậc thánh quân như ngài mà đất nước ta mới có một thời kỳ vàng son rực rỡ - thời đại Đông A.
Chỉ với bốn dòng thơ, hai mươi tám chữ Trần Nhân Tông đã tài tình họa nên bức tranh thôn quê Việt thật sống động, nên thơ. Làm sao dễ mà tìm được một bài thơ thứ hai nắm bắt được tinh tế khoảnh khắc ấy, tinh thần khoát đạt tự do ấy. Trần Nhân Tông không chỉ là một vị vua anh minh mà còn là một nhà thơ tài năng chứa chan tấm lòng nhân đạo.
Bởi nó không chỉ là những câu, những chữ bình thường mà chứa đựng trong đó là biết bao triết lí sống cùng những tình cảm riêng sâu đậm. Tác phẩm “Thiên trường vãn vọng” của Trần Nhân Tông đã khơi dậy trong ta tình yêu nồng nàn dành cho thiên nhiên vạn vật và rộng hơn cả là tình yêu quê hương đất nước sâu sắc. Bài thơ chính vì vậy mà có sức trường tồn mãnh liệt qua thời gian và không gian bởi lẽ nó chứa đựng những giá trị nhân văn sâu sắc. Đọc thơ, tâm hồn ta bỗng trở nên bình thản, an nhiên tự tại, thả hồn cùng gió mây để đắm chìm trong vạn vật, giang tay đón nhận tất cả khí trời, hòa mình với thiên nhiên quê hương. Và để rồi, tình yêu từ những điều nhỏ bé nhất được ngưng đọng và kết tụ thành tình yêu đất nước to lớn, trở thành niềm động lực để chúng ta không ngừng cống hiến và hưởng thụ giữa cuộc đời ngắn ngủi mà tươi đẹp này. Đó chính là những gì mà tác phẩm “Thiên trường vãn vọng” của Trần Nhân Tông đã để lại trong lòng mỗi bạn đọc.
Tham khảo từ khóa tìm kiếm bài viết từ google :
Xem thêm: cảm nhận về nhân vật tnú trong truyện ngắn Rừng Xà Nu